Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mới để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng cũng không ít thách thức đang chờ đón.
“Sân chơi” mới rộng lớn nhiều cơ hội…
Hội nhập kinh tế thế giới, quá trình toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế khách quan có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, vừa là điều kiện,vừa là kết quả cần thiết cho mọi quá trình phát triển xã hội. Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kể từ khi hội nhập cho tới nay, nước ta đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã có những đột phá mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều biến chuyển mới trong thời gian tới. Việt Nam đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 2000), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007), ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.
Nhờ tham gia các hiệp định FTA, các doanh nghiệp Việt Nam được đón nhận nhiều cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh, tự do sáng tạo, làm giàu cho mình và cho đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội khẳng định vị thế doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển, các định chế tài chính quốc tế hay tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư.
….Nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các quy trình bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn. Làm được điều đó, các doanh nghiệp nước ta mới có thể hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt có uy tín, danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đem đến không ít khó khăn, thách thức. Một khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu về các Hiệp định TPP, AEC chỉ khoảng 20 – 30%. Hầu hết các doanh nghiệp không biết về lộ trình của Việt Nam trong AEC. Có tới 60 – 70% doanh nghiệp cho rằng, các hiệp định này không mấy ảnh hưởng đến họ. Rõ ràng, việc nắm bắt thông tin về các Hiệp định FTA là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít quan tâm về những lợi thế mà các FTA mang lại.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn đang chủ yếu phát triển theo chiều rộng (tăng số lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và chiều sâu.
Hội nhập kinh tế với một sức cạnh tranh còn yếu kém cũng là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa nước ta còn chưa có nhiều thương hiệu nổi bật và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Trong tình hình nhiều thách thức đó, các doanh nghiệp nước ta vấp phải bài toán nan giải khi phải tìm ra những chiến lược để mở đường tăng trưởng, tìm ra con đường phát triển, hội nhập thành công.
Tiếp nối thành công của hội thảo kinh tế diễn ra tại Hà Nội ngày 1/12 vừa qua, hội thảo với chủ đề “Doanh Nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” sẽ được tổ chức vào ngày 13/12/2018 tại Khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. HCM nhằm mở lối cho các doanh nghiệp giải quyết khó khăn này.
Hội thảo do Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI và Trường Kinh doanh PBS tổ chức, có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam và thế giới, như ông Choi Bong Sik – Chủ tịch Hiệp hội Hàn Quốc tại Việt Nam và Chủ tịch của Tổ chức World OKTA, ông Đỗ Cao Bảo – Phó TGĐ Tập đoàn FPT, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, bà Vũ Thị Thuận – CTHDQT Công ty CP Traphaco, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương – Phó Chủ tịch Hội đồng giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp sẽ có cơ hội đối thoại, học hỏi với giới chuyên gia kinh tế, những nhà quản trị điều hành doanh nghiệp hàng đầu thế giới và Việt Nam.
Thời gian và địa điểm:
13h00 Ngày 13/12/2018
Khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. HCM
Để tham dự hội thảo, vui lòng liên hệ:
Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI
Trường Kinh doanh PBS
*Trụ sở Hà Nội
Tầng 1, 13, 14 – Tòa nhà Sông Đà – Đường Phạm Hùng – Nam Từ Liêm – Hà Nội
*Trụ sở tại TP Hồ Chí Minh
Tòa nhà PTI: Lầu 1, Tòa nhà Rivera Park Sài Gòn, Số 7/28 Đường Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.Hồ Chí Minh.